5/12/09

Dục Mỹ - Quá Khứ Oai Hùng

Dục Mỹ - trước kia nằm tại thôn Tân Mỹ, xã Ninh Xuân bây giờ - là một vùng đất cách thị trấn Ninh Hòa khoảng mười lăm cây số theo hướng Tây có đường quốc lộ 26(trước kia gọi là QL21) đi ngang qua, được bao bọc bởi những dãy núi trập trùng uốn khúc cho nên từ trên đèo Phượng Hoàng(đèo Hai mươi bốn) nhìn xuống Dục Mỹ quả là một thung lũng hình chảo, Phía Tây giáp huyện Khánh Dương tỉnh Daklak, phiá Nam giáp với Ðồng Trăng huyện Diên Khánh, phiá Bắc giáp Ðá Bàn có đập Đá Bàn nổi tiếng[Đập Đá Bàn được xây dựng trong những năm 80 trên sông cùng tên thuộc huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà với lưu vực 126km2. đập có chiều cao 26,2m và chiều dài 347,5m. Hồ có dung tích 79,2 triệu m3] và phía Ðông thì giáp xã Ninh Xuân huyện Ninh Hòa.

Dục Mỹ được bao bọc bởi hai con suối lớn, một con suối bắt nguồn từ suối Nước Nóng chảy qua cầu Buôn Ðun, sau lưng Trung Tâm Huấn Luyện (TTHL) Lam Sơn, đổ về suối Ðá. Một con suối khác phát nguồn từ núi Vọng Phu chảy theo hướng trường bắn-cầu Ðỏ, sau lưng nhà Thờ, cầu Ông Ngọ, cầu Dục Mỹ rồi hợp cùng với suối cầu Treo chảy về sông Dinh thuộc huyện Ninh Hòa.

Dục Mỹ thuộc xã Ninh Sim gồm 6 thôn và “vệ tinh” là ba buôn Thượng của người Rhade và Giarai nổi tiếng với nhà sàn, nhà rông [là một kiểu nhà được dựng trên các cột dựng trên mặt đất hay mặt nước xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu của chính núi rừng như cỏ tranh, tre, gỗ, lồ ô…v.v..] vật nuôi nổi tiếng là giống heo Mọi màu đen xám, lưng gãy, bụng xệ chấm đất đó cũng chính lại là đặc sản của Dục Mỹ và vùng Khánh Dương lân cận.

Mặc dù chỉ cách Ninh Hòa vỏn vẹn mười lăm cây số nhưng thời tiết Dục Mỹ khá khắc nghiệt, do chịu ảnh hưởng của gió Lào cho nên vào mùa khô, ban ngày nhiệt độ ở Dục Mỹ rất nóng có thể lên đến 39 - 41 độ C là chuyện bình thường nên có câu “Dục mỹ nắng cháy da người” quả thật không sai, với cái nắng hanh cháy gay gắt hòa với mùi của mồ hôi đổ nên khi đứng gần con người như có mùi “khét nắng”.

Trái lại, do ảnh hưởng sương núi rừng nên ban đêm nơi đây rất lạnh, sương cũng rất dày với khí hậu khắc nghiệt như thế làm rẫy là nghề chính của người dân nơi đây so với những vùng khác trong huyện Ninh hòa người ta còn trồng lúa thì Dục Mỹ có thế mạnh về cây mía,cây thuốc lá, cây cây công nghiệp…
Bên cạnh những khó khăn, khắc nghiệt của khí hậu, “ông Trời” cũng đã ban tặng lại cho Dục Mỹ nguồn dồi dào phong phú về lâm sản và đặc sản quí hiếm của rừng như Kỳ Nam, Trầm , Quế chi, Đá Thạch Anh.v.v… những danh mộc như Căm xe, Bằng lăng, Cẩm lai. Trắc.v.v…có rất nhiều trái cây rừng như Xay, Da Ðá, Sim để làm thuốc; trái Sa nhân, trái Ðười ươi để xuất cảng ra ngoại quốc mang về không biết bao nhiêu là tiền bạc mà hiếm nơi nào trong huyện có được cho nên dân các xã lân cận trong huyện nô nức đổ về Dục Mỹ để tìm “kế sinh nhai” bằng nghề đi rừng.

Cứ mỗi dịp xuân về Tết đến, Dục Mỹ có nhiều Hoa Mai, Hoa Lan rừng vừa rất đẹp lại vừa rất quí hiếm để chơi trong những ngày Tết. Vào đêm giao thừa, nhà nhà người ta thường xông trầm hương cho thơm cũng như xua đi những điềm xấu của năm cũ hăng hoan chào đón chào một năm mới thịnh vượng – thái hòa.

Từ sau năm 1954, do nhu cầu của chiến tranh sư đoàn Mười Lăm Khinh Chiến (Tiền thân của sư đoàn 23 Bộ Binh sau này) về đóng tại Dục Mỹ.

Nhờ việc buôn bán với quân đội hay nói cách khác là các TTHL cho nên kinh tế của Dục Mỹ nhờ đó khá lên so với các vùng xã trong huyện . Một hình ảnh đẹp, rộn ràng rất dễ tìm thấy vào những đêm cuối tuần, trung tâm Dục Mỹ sầm uất nhộn nhịp hẳn lên bởi từng cặp đôi trai gái địa phương đổ về cùng sự góp mặt của từng tốp lính(hay gọi Bộ đội)của các THHL được nghỉ phép đi dạo chơi, ăn uống, mua sắm…v.v… các quán sá, cửa hàng sáng rực lung linh với đủ loại ánh đèn. Bên cạnh đó, việc trao đổi, buôn bán với người dân tộc(người Thượng)về lâm sản góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Theo thời gian,là nơi “đất lành chim đậu” dân chúng từ khắp ba miền đất nước đã qui tụ về đây mang lại cho Dục Mỹ sự phong phú và đa dạng về văn hóa cũng như các món ẩm thực. Dục Mỹ có món “thịt rừng” rất nổi tiếng khắp trong huyện và các món ăn của mọi miền đất nước ở Việt Nam mà Ninh Hòa không có như các loại xôi gấc, xôi vò, xôi khúc(xôi cúc), xôi chè, xôi đậu đen, xôi bắp , các món chè, các món ăn như tiết canh vịt, mì Quảng, bún bò của người Trung nhưng được nấu với cây xã thơm lừng nghe đến đã thèm thuồn chảy nước miếng, các món phở Bắc, mặc dù Ninh Hòa cũng có nhưng không làm sao ngon bằng. Ðặc biệt nhất là phở heo với hương vị thơm lừng đặc trưng, phở thịt heo này không phải là hủ tiếu của người Tàu. Phở heo ăn với bắp chuối, bắp sú, xà lách cắt mỏng, chứ không ăn chung với rau quế hay rau thơm như phở Bắc, mùi vị rất là ngon và độc đáo. Ði khắp mọi miền đất nước khó có thể tìm được loại phở như nơi này.

Dân số Dục Mỹ từ đó cũng phát triển mạnh mặc dù đã có ba trường tiểu học và một trường trung học Văn Hóa Quân Ðội, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu hiếu học của con em địa phương cho nên học sinh cấp trung học phải đi học xa nhà xuống tận huyện Ninh Hòa có trường Trung Học Ðức Linh, Bán Công và Trần Bình Trọng, phương tiện đi lại có thể bằng xe đạp hoặc xe đưa đoán học sinh(school bus) lúc bấy giờ. Với tinh thần hiếu học vốn có, học sinh Dục Mỹ luôn luôn tạo được tiếng vang tốt cũng như giành được những giải thưởng cao của giáo dục huyện nhà.

Con gái Dục Mỹ - vì sống ngay trung tâm thu nhập chính là buôn bán không phải làm công việc đồng án cho nổi tiếng vừa trắng lại vừa đẹp nhất nhì trong huyện – làm thẩn thơ hút hồn không biết bao nhiêu trái tim đang yêu của các chàng trai tưởng chỉ đến đây vài ba tháng thụ huấn quân sự rồi ra đi, chứ đâu có ngờ những mỹ nhân Dục Mỹ làm cho họ không đành lòng bước chân ra đi.

Dục Mỹ không phải là tên hành chánh của quận Ninh Hòa, mà là tên của một đặc khu quân sự hoặc là Huấn khu Quân Sự Dục Mỹ nằm trong quận Ninh Hòa.Dục Mỹ địa danh đã từng đi vào thơ ca thời binh lửa với bài hát nổi tiếng “Giờ này anh ở đâu Dục mỹ hay Lam sơn”.
Huấn khu Quân sự Dục Mỹ khởi đầu là nơi huấn luyện tân binh bổ sung cho Sư Ðoàn 23 Bộ Binh [Sư Đoàn 23 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa là 1 sư đoàn trực thuộc Quân đoàn II của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sư đoàn gồm 3 trung đoàn: 44, 45 và 53 đóng tại Cao nguyên Trung phần. Năm 1965, sư đoàn đã tham gia đánh dẹp quân Fulro (bọn phun-rô) của phong trào Barajaka dưới sự chỉ huy của Trung tướng Vĩnh Lộc. Năm 1975, các đơn vị thuộc Sư đoàn 23 bị lực lượng Cộng sản với quân số áp đảo tấn công ở Buôn Ma Thuột. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh (lúc này chỉ còn 1 trung đoàn) có nhiệm vụ tái chỉnh trang các đơn vị trực thuộc. Sau trận chiến ở Khánh Dương thì sư đoàn hoàn toàn tan hàng.]

Song song với thời gian đó (khoảng năm 1958-1960), TTHL Lam Sơn, TTHL Bảo An (tiền thân của Ðịa Phương Quân sau này) TTHL Biệt Ðộng Quân, Trường Pháo Binh Việt Nam và văn phòng cố vấn quân sự Hoa Kỳ ( MAC-V) được thành lập.
Cùng với TTHL Quang Trung, TTHL Lam Sơn là nơi huấn luyện cơ bản quân sự cho tất cả tân binh quân dịch, để sau khi mãn khóa huấn luyện tân binh sẽ được bổ sung cho các sư đoàn bộ binh đặc biệt như là Sư đoàn bộ binh 23 như đã đề cặp ở trên. Sau năm 1968 Lam Sơn còn huấn luyện cơ bản quân sự cho Hải Quân, Không Quân, Quân sự học đường, Phân chi khu trưởng, một số cán bộ xây dựng nông thôn. do nhu cầu chiến tranh, có một thời gian Lam Sơn còn huấn luyện cho cả bậc Hạ sĩ quan nữa [tên gọi chung cho các quân dân có quân hàm hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ. Mang hai(2) gạch : tại ngũ và dự bị].

TTHL Lam Sơn nằm ở khoảng giữa cây số 16 và 18 trên Quốc Lộ 21(QL26 bây giờ), nhưng địa điểm để huấn luyện khóa sinh lại bao gồm cả một chu vi rộng lớn. Có hai liên đoàn khóa sinh, huấn luyện viên, diễn tập, lính cơ hữu được chỉ huy bởi một vị Ðại Tá hoặc Chuẩn Tướng [Trong Quân đội Nhân dân Việt Nam không có cấp hàm này. Trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975), quân hàm Chuẩn tướng là hàm tướng 1 sao, được đặt ra từ năm 1963. Quân hàm này dưới Thiếu tướng, trên Đại tá, tương đương quân hàm Brigadier General (Quân đội Mỹ), Général de Brigade (Quân đội Pháp, có 2 sao)]
Văn phòng Cố Vấn Hoa Kỳ MAC-V, có các sĩ quan Cố Vấn cho tất cả TTHL tại Dục Mỹ. Bộ chỉ huy Huấn khu Dục Mỹ luôn luôn được chỉ huy trực tiếp bởi bốn vị Ðại Tá và một vị Chuẩn Tướng.

Trong thời chiến tranh, Sân bay quân sự Dục Mỹ cũng được biết đến rất nhiều . Nó được sử dụng trong chiến tranh Việt nam cho tới năm 1975 thì không còn sử dụng nữa. Trước đây, sân bay này để phục vụ cho việc vận chuyển và huấn luyện lính tại Quân trường Dục Mỹ
Trường Pháo Binh là nơi đào tạo tất cả các chiến sĩ pháo binh, các sĩ quan 'Ðề Lô' cho chiến trường và đào tạo các tiểu đoàn Pháo Binh Dù.
Tại đây còn có Trung tâm Huấn luyện Bảo An đóng tại cây số Mười lăm(15) nhưng sự tồn tại của nó chỉ trong giai đoạn ngắn do tính năng và nhu cầu chiến trường sau đó phải di chuyển về Phan Rang
TTHL Biệt Ðộng quân trước kia đóng ở Ðồng Ðế với tên là Biệt Ðộng Ðội, vì nhu cầu mở rộng của trường Hạ Sĩ Quan cho nên mới chuyển ra Dục Mỹ và đổi tên là Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Ðộng Quân và ngày một tháng bảy là ngày của binh chủng. Ngoài việc huấn luyện cho tân binh Biệt Ðộng Quân, còn có những khóa đặc biệt như Rừng núi sình lầy, Viễn thám còn gọi là Trinh sát. Tất cả các tiểu đoàn biên phòng đều về đây thụ huấn. TTHL Biệt Ðộng Quân có hai liên đoàn khóa sinh, ngoài ban huấn luyện của TT còn có hai đại đội diễn tập cơ hữu và phân đội 305 Quân Cảnh.

Sau năm 1975 Trung Tâm Huấn Luyện Ðặc Công ở miền Bắc di chuyển về Dục Mỹ - trong giai đoạn đó cứ vào dịp kỉ niệm các ngày lễ diệt binh chủng người dân Dục Mỹ nô nức kéo đến Khu Đặc công để được xem những trận đánh giặc giả(mô phỏng) cũng có tiếng bom đạn nổ rền vang khói lửa mịt mù, máy bay bay vù vù trên bầu trời hai bên bắn nhau dữ dội, chết chóc thương vong y như thật nhưng chỉ là Tập trận giả sau đó các trẻ em ở Dục Mỹ được phát quà bánh kẹo rất nhiều, trong ngày ấy người dân như được thưởng thức một lễ hội đầy ý nghĩa ai nấy cũng vui vẻ rạng ngời – sau đó vì khí hậu khắc nghiệt của thời tiết nơi đây tồn tại được vài năm Trung tâm này phải dời đi nơi khác.

Thấm thoát theo thời gian, hình ảnh về quê hương tôi-Dục Mỹ đầy ắp với những kỷ niệm đẹp, cả tuổi thơ, tuổi biết yêu và tuổi khôn lớn của tôi đều mang rất nhiều hoài niệm về miền đất thân thương này, mặc dù phải đi học xa ở Nha Trang hay mãi tận Sài Gòn, mỗi lần nghỉ hè hay dịp Lễ, Tết trở về Dục Mỹ,là lòng tôi lúc nào cũng tràn ngập xao xuyến bồi hồi.

Dũng-trọc
Saigon, 03/12/2009(bài viết có tham khảo từ một số nguồn báo)

11 nhận xét:

Nặc danh nói...

toi la nguoi duc my nhung sinh sau de muon khi nhac toi hai chu duc my deu phai bui ngui khi di xa nho ve duc my mot con suoi mot con duong va chiec cau duc my nam nao khi nhac den khong khoi chanh long noi nho duc my da diet khi khong co dieu kien ve que xin gui mot chut long ve duc my |

Nặc danh nói...

tôi sinh ra tại SÀI GÒN năm 1962, lên 2 tuổi gia đình tôi dọn về DỤC MỸ, vì BỐ tôi làm thợ điện cho MAV.V trại cố vấn MỸ và sống cho đến nay,tuy là con dân DỤC MỸ nhưng lịch sử về quê hương thì rất mơ hồ.Cảm ơn tác giả đã cho tôi biết nhiều hơn về quê hương đã nuôi tôi lớn lên.Rất cảm ơn tác giả.

kinh nói...

vnch một đội quân ho lao ô nhục

nguyenvandung nói...

Cám ơn bạn đã viết về Dục Mỹ, ngày mà cách đây 42 năm tôi, nơi xa nhà đầu đời và đóng quân ở đó. Nhiều kỷ niệm về Cầu Đỏ.
Tên Cầu Đỏ lúc nào cũng trong ký ức của tôi

Unknown nói...

Cảm ơn bạn đã viết về dục mỹ.minh đã thất lạc nguoi cha o đó minh muon tim cha nhung kg bjk tim lam dao

Unknown nói...

minh chỉ muốn duoc gap cha dù chi 1 lần

Thằng Nhóc nói...

bài viết hay lắm.
thanks tác giả

Bong Ngo nói...

Xin lỗi tác giả bài viết.Trong QLVNCH không từ"bộ đội".

Nguyen huu tin nói...

Tôi học ở trường đặc công từ 82 đến 85, lúc đó có trường sỹ quan đăc công ở dục mĩ và trường sỹ quan lục quân 3 ở trên khu lam sơn..
Có nhiều kỉ niệm nhưng nhớ nhất quán cà phê hạ, quán chè em nở... chị bích lai nhà gần cổng trường.

NVM nói...

Người viết bài là F1 của chủ quán cà phê hạ đấy anh.

Nặc danh nói...

tôi sinh ra ở Ninh Sim.Ninh Hoà , Tỉnh Phú Khánh.
năm lên 3 .tui đc gd hiện tại bồng về đà nẵng nuôi , tôi sinh 01/06/1986. có một dấu vết giống vết xăm ở cuối lòng bàn tay ở cả 2 tay. ko biết bây h tui phải tìm gd tui nơi đâu..

Đăng nhận xét